Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Ô nhiễm môi trường nông thôn và giải pháp khắc phục

04/06/2014

     Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở nước ta hiện nay đã và đang trở thành một xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, quá trình này cũng đã tạo ra những mặt trái, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường. Bài viết phân tích tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn nước ta hiện nay và đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động ô nhiễm môi trường đến người dân sinh sống tại khu vực nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

      Nguyên nhân ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn

     Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã làm cho bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội nông thôn ở nước ta đã có nhiều thay đổi: Các khu công nghiệp tại các khu vực nông thôn liên tiếp mọc lên vừa giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời cũng là góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cũng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đã và đang sinh sống tại các khu vực nông thôn theo tinh thần "ly nông bất ly hương"...

     Tuy nhiên, những năm gần đây, các hoạt động nông nghiệp cùng với những hoạt động dịch vụ, sinh hoạt đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường có tính chất nghiêm trọng ở khu vực nông thôn nước ta. Nguyên nhân là do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh và sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước trong vùng lãnh thổ. Môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn. Ở các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải. Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe nhân dân. Do nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật nên đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hóa chất trong nuôi trồng thủy sản khiến các thức ăn thừa lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, làm phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc; thậm chí đã có dấu hiệu xuất hiện thủy triều đỏ ở một số vùng ven biển Việt Nam.

     Nhận thức của công dân và cộng đồng đang sống và làm việc tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao. Người dân nông thôn chưa có ý thức BVMT. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; việc xả nước, rác thải; sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, việc đầu tư các công trình phục vụ đời sống và sức khỏe (bể nước, cống rãnh thoát nước, hố xí...), việc tham gia công tác vệ sinh môi trường cộng đồng… còn hạn chế. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý, BVMT còn nhiều bất cập. Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ BVMT chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có sức khỏe người dân. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn ít về số lượng, bất cập về chất lượng. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có gần 30 cán bộ quản lý môi trường/1 triệu dân so sánh với một số nước trong khối ASEAN là 70 người/1 triệu dân.

     Cơ sở pháp lý, ngân sách đầu tư cho BVMT nước còn quá ít thể hiện nhiều bất cập. Vấn đề đầu tư cho công tác BVMT chưa đáp ứng được yêu cầu, còn dàn trải và thiếu hiệu quả. Cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm rõ ràng…

     Ngoài ra, ô nhiễm môi trường nông thôn đã góp phần gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng tại các khu vực nông thôn. Theo kết quả “Nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm asen trong nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tới sức khỏe, bệnh tật của cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Hồng và biện pháp khắc phục”, do PGS. TS. Nguyễn Khắc Hải, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường năm 2012 cho thấy, trong số 4.700 đối tượng (nam và nữ) đã sử dụng nước giếng khoan trên 3 năm (có nhiễm chất asen) để ăn, uống và tắm giặt đã phát hiện được 60 trường hợp nhiễm độc asen mãn tính, chiếm tỷ lệ 1,62% trong tổng số người sử dụng nước ô nhiễm asen, phân bố nhiều nhất ở Hà Nội (7,25%), Vĩnh Phúc (4,98%), Nam Định (4,57%) .

 

Tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường đang diễn ra phổ biến tại khu vực nông thôn

 

     Bên cạnh một số bệnh tật có tính chất di truyền thì tại các khu vực nông thôn hiện nay ở nước ta đang xuất hiện ngày càng các loại bệnh tật mới có tính chất lây lan nguy hiểm ra cộng đồng và tính chất hiểm nghèo đe dọa đến mạng sống con người, như dịch tả, ngoài da, hô hấp, uốn ván và đặc biệt là các căn bệnh có tính chất hiểm nghèo tiêu chảy cấp, ung thư có nguyên nhân do sử dụng các sản phẩm độc hại hoặc bị ô nhiễm...

     Một số giải pháp BVMT ở khu vực nông thôn

     Để giảm thiểu những tác động xấu từ ô nhiễm môi trường đến sức khỏe nguồn nhân lực tại các vùng nông thôn hiện nay cần thực hiện các giải pháp sau:

     Một là, cần phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn nước ta hiện nay. Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương khác nhau nên mức độ ô nhiễm môi trường khác nhau nên việc cần kíp hiện nay là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, qua đó xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.

     Hai là, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo. Đối với các khu công nghiệp đang đóng trên các địa bàn nông thôn hiện nay cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý nước thải, rác thải tại đó.

     Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, trong đó những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lý hình sự) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Về lâu dài, cần ban hành và thể chế hóa các luật lệ có liên quan đến công tác BVMT tại các khu vực nông thôn, tiến tới xây dựng bộ luật riêng về lĩnh vực này.

     Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BVMT, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và BVMT; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội. Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này trên các địa bàn nông thôn, như các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý và BVMT, các cơ sở y tế, các tổ chức đoàn thể có liên quan để đảm bảo cho công tác tuyên truyền, giáo dục và thực thi các biện pháp BVMT, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn có hiệu quả hơn.

 

Để giảm thiểu những tác động xấu của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của người dân nông thôn hiện nay cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách, nguồn tài chính hỗ trợ đến công tác tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ chính môi trường mình đang sinh sống. Về lâu dài, cần có các giải pháp về kiểm tra, kiểm soát môi trường chặt chẽ, trong đó cần quan tâm hơn đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý môi trường tại các khu vực nông thôn hiện nay.
 
 

PGS.TS. Phạm Công Nhất

Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014

Ý kiến của bạn