Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Ðề xuất các giải pháp hạn chế nước biển dâng tại Việt Nam

18/07/2014

     According to a World Bank’s report in 2007, Viet Nam is ranked 27th among 156 countries having sea and the largest coastal country in Southeast Asia and hence highly vulnerable to sea level rise. It is evident that climate change has caused impact on localities with increasing flooding, droughts and sea level rise. To cope with the risks and adapt to climate change and sea level rise, this paper proposes work measures including developing hard dykes for controlling flood and non-work measures including “soft dykes” or mangrove plantation, greening urban landscape, and developing safe residential clusters. These are easy, feasible, inexpensive and environmentally friendly measures that could be scaled up nationwide, in particular for vulnerable coastal zones.

 

     Trong những năm gần đây, nhiệt độ Trái đất tăng lên dẫn đến biến đổi khí hậu (BĐKH), mực nước biển dâng (NBD) cao. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB, 2007), nếu mực NBD 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu NBD 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên khoảng 25%. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 27 trong 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á nên nguy cơ bị đe dọa bởi NBD là rất lớn.

     Những tác động của BĐKH và NBD đối với Việt Nam

     Đường bờ biển Việt Nam trải dài trên 3.260 km qua 15 vĩ độ với tỷ lệ chiều dài đường biển trên diện tích đất liền khá cao (trung bình thế giới 600 km2 đất liền/1km bờ biển, thì Việt Nam là 100km2/1km bờ biển). Vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam khoảng 1 triệu km2, rộng gấp 3 lần diện tích đất liền. Biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ xa bờ, gần bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảo ven bờ chủ yếu nằm ở vịnh Bắc bộ, đảo nổi có diện tích khoảng 1.700km2, trong đó có 3 đảo diện tích lớn hơn 100km2 (Phú Quốc; Cái Bầu; Cát Bà), có 23 đảo diện tích lớn hơn 10km2, có 82 đảo diện tích lớn hơn 1km2 và khoảng trên 1.400 hòn đảo chưa có tên. Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và các nguyên liệu chiến lược khác đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia.

     Theo kịch bản BĐKH 2012 của Bộ TN&MT, nếu mực NBD 1m sẽ có khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); trên 10% diện tích, 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh; trên 2,5% diện tích, 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp.

     Thực tế cho thấy, BĐKH đang tác động tới các địa phương trên cả nước với những trận lũ lụt, hạn hán, bão mạnh hàng năm tăng nhanh và làm mực NBD cao. Thống kê cho thấy, thiên tai trong năm 2013 đã làm 285 người chết và mất tích. Ước tính thiệt hại khoảng 28.000 tỷ đồng. Tại TP. Hồ Chí Minh, mưa kết hợp với triều cường đã làm cho diện tích các khu vực ngập úng ngày càng mở rộng. Tình hình lũ lụt tại TP. Cần Thơ cũng có diễn biến bất thường: Năm 2000 mực nước lũ là 1,79m thì năm 2007 là 2,03m và năm 2011 đạt mốc 2,15m. Hiện TP. Cần Thơ đang đối mặt với ngập lụt do triều cường chứ không phải do lũ từ thượng nguồn tràn về như trước đây.

 

ĐBSCL đối mặt với nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng do BĐKH

 

     Đặc biệt, mực NBD gây xâm nhập mặn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các vùng ven biển ở Việt Nam, trong đó các tỉnh ven biển Tây Nam bộ là khu vực chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất với 1,77 triệu ha đất bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích. Trong khi chi phí xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt rất tốn kém. Điển hình như các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, nước mặn đã xâm nhập vào đất liền khoảng từ 40 - 45km, thậm chí có nơi vào sâu đến 70km, tỉnh Hậu Giang đã bị nhiễm mặn với độ mặn 5 - 7%. Tại ĐBSCL, các dự báo cho thấy đến năm 2100, vựa lúa ĐBSCL có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng do NBD. NBD cao làm xâm nhập mặn sâu hơn vào nội địa, có thể làm cho khoảng 2,4 triệu ha đất bị nước biển xâm nhập.

     Đề xuất nhóm giải pháp hạn chế NBD ở Việt Nam

     Để đối phó với các hiểm họa, giảm nhẹ và từng bước thích nghi BĐKH và NBD, Việt Nam có thể áp dụng các nhóm giải pháp:

     Nhóm giải pháp công trình: Xây dựng hệ thống công trình thủy lợi để kiểm soát số lượng và chất lượng nguồn nước trong vùng, giảm thiệt hại do nước gây ra. Thực tế cho thấy, vai trò của công tác thủy lợi có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước của các vùng. Vì thế cần chú trọng xây dựng và phát huy hiệu quả các hệ thống và công trình thủy lợi đã có, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch thủy lợi, thực hiện các dự án trong tương lai. Muốn thế cần phải chú trọng chất lượng của công tác quy hoạch thủy lợi cho các vùng, tiểu vùng trong toàn quốc, đặc biệt là ĐBSCL, đảm bảo tính đồng bộ, hỗ trợ nhau trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nước, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các vùng một cách bền vững. Ví dụ, các biện pháp công trình kiểm soát lũ ở ĐBSCL, như làm đê bao, bờ bao và hệ thống cống điều tiết lũ. Có thể hiểu đê bao là những đường, đê được xây dựng vững chắc cao hơn mực nước lũ thiết kế nào đó (chẳng hạn mực nước đỉnh lũ năm 2.000) để sao cho các trận lũ lớn nước không tràn qua. Đê bao thường sử dụng để bảo vệ các khu dân cư, các khu công nghiệp tập trung, các khu thị trấn, thị tứ và các vùng chuyên canh trồng cây ăn trái. Còn bờ bao là các đường bờ tạm thời với độ cao không vượt quá mực nước lũ tháng tám để khi thu hoạch xong lúa hè thu thì cho nước lũ tràn vào để lấy phù sa, thêm nguồn thủy sản, thau chua rửa phèn và vệ sinh đồng ruộng. Cho đến nay, người dân ĐBSCL đã quen với mùa nước nổi và trong phương châm quy hoạch, từ Nhà nước tới nhân dân đều đồng tình phải “sống chung” với lũ, NBD, bảo vệ con người và tài sản, né tránh các mặt hại và tận dụng các mặt lợi do lũ mang lại.

     Việc xây dựng các đê kiên cố hóa bờ biển, bờ sông ở Việt Nam là rất cần thiết. Hiện Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố ven biển từ Móng Cái đến Hà Tiên cùng với 2.360 con sông với chiều dài từ 10km trở lên và 26 phân lưu của các sông lớn, tạo thành hệ thống sông ngòi dày đặc, được phân bổ từ Bắc đến Nam. Để phòng chống lũ lụt đã có 5.716 km đê sông, 2.700 km đê biển, trong đó miền Bắc có 3.509km đê sông và 759km đê biển. Khi NBD cao, để bảo đảm an toàn cuộc sống của mọi người dân có thể làm “đê cứng” (bê tông cốt thép dày). Tuy nhiên, việc này vô cùng tốn kém, khả năng tài chính của Việt Nam chưa thể đáp ứng và phải mất rất nhiều năm và về lâu dài, chúng ta chỉ có thể làm đê cứng ở một số nơi xung yếu nhất.

     Nhóm giải pháp phi công trình: Giáo dục tuyên truyền qua các hội thảo, hệ thống thông tin truyền thông, phát triển công nghệ dự báo nhằm giảm nhẹ thiệt hại do BĐKH và NBD. Nhóm giải pháp này cũng bao gồm cả việc sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu cây trồng hợp lý để tránh thiệt hại và tăng hiệu quả, quản lý và duy trì chức năng của rừng phòng hộ. Sự kết hợp hài hòa cả giải pháp công trình và phi công trình sẽ làm giảm vốn đầu tư và tăng hiệu quả đầu tư. Giải pháp phi công trình dễ làm, khả thi, ít tốn kém và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên là “làm đê mềm” bằng cách “trồng rừng ngập mặn” ở tất cả những bãi sình lầy, những nơi có thể trồng được các loại cây: mắm, đước, bần, sú, vẹt, với chiều rộng từ 300 - 1.000m, phía bên trong là đê, kết hợp với đường giao thông. Hai bên đường có thể trồng các loại tre, cây dầu mè (Jatropha), cỏ vetiver… là những loại cây, cỏ có tác dụng chống gió, bão, sóng thần, sạt lở… rất tốt. Ở những vùng nước ngọt, phèn… thì trồng tre, bần, dừa nước, dừa, cỏ vetiver… dọc theo các bờ sông, bờ bao.

     Ở ĐBSCL,việc sử dụng dừa nước như một loại vật liệu sống, tự nhiên trong việc kiến tạo hành lang “xanh” ngăn chống việc xâm thực, sạt lở các vùng đất ven sông, rạch hoặc bờ biển.

     Rừng ngập mặn được coi như hệ thống “đê mềm”. Việc đầu tư cho hệ thống “đê mềm” này không quá tốn kém, có thể huy động được sức dân, cũng như nhiều doanh nghiệp tham gia. Cần làm cho người dân hiểu rõ lợi ích của rừng ngập mặn, có chế độ khoán cho họ quản lý, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng…

     Ở ven biển các tỉnh miền Trung, việc bảo vệ các rừng phi lao, rừng dừa chắn gió bão, chắn sóng và NBD là rất cần thiết để bảo vệ mùa màng và khu dân cư vốn nằm trên những vùng đất cát rất nhạy bén với BĐKH.

     Quy hoạch đô thị: Trong những năm qua cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tốc độ đô thị hóa ở nước ta diễn ra tương đối nhanh. Tính đến đầu tháng 3/2012, toàn quốc có khoảng 760 đô thị từ loại I đến loại V. Theo kế hoạch, đến năm 2015 tổng số đô thị cả nước là 870, năm 2025 có khoảng 1.000 đô thị. Sự phát triển nhanh ở khu vực đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế địa phương, vùng và cả nước.

     Các thành phố lớn đóng vai trò là những cực tăng trưởng chủ đạo của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thiên tai, BĐKH, NBD cùng với hậu quả của quá trình mở rộng các đô thị theo những quy hoạch không phù hợp và quản lý sử dụng đất yếu kém, đã khiến ngập lụt đô thị ở nước ta có xu hướng ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn, không chỉ ở các đô thị miền Trung (Huế, Hà Tĩnh, Tuy Hòa…) mà cả ở miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên…) và miền Nam (TP. Hồ Chí Minh và các đô thị ĐBSCL). Do đó, ở nhóm giải pháp này cần phải thực hiện xanh hóa cảnh quan đô thị.

     Hiện nay, diện tích cây xanh công cộng trong các đô thị nước ta rất nhỏ bé (khoảng 2,5 - 3,5 m2/người) so với Quy chuẩn xây dựng (QCXD 01:2008) của Bộ Xây dựng (khoảng 5 - 7m2/người) cũng như so với các thành phố lớn ở nước ngoài. Ưu tiên phân bố đất công để nhanh chóng nâng cao diện tích không gian xanh và mặt nước ở các đô thị, đạt tiêu chuẩn theo từng loại đô thị. Khuyến khích đầu tư và phát triển các khoảng không gian xanh trong các dự án đô thị và khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp và các hộ gia đình huy động nguồn lực để xanh hóa cảnh quan đô thị (Thảm cỏ che phủ mặt đất, cây xanh trên bề mặt công trình, sân trong, sân thượng và tầng lửng công trình).

     Cây xanh làm cho không khí trong sạch hơn. Nồng độ bụi trong không khí thổi qua cây xanh có thể giảm đi từ 20 - 60%. Theo tính toán, trung bình một người lớn mỗi ngày, đêm hô hấp 0,75kg O2 và thải ra 0,9kg CO2. Do đó, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.

     Ngoài ra, nên quy hoạch xây dựng “Đô thị nước” ở những nơi có đặc điểm về địa hình, điều kiện tự nhiên với nét nổi trội là hệ thống sông rạch chằng chịt, diện tích rừng ngập mặn lớn như ở ĐBSCL. Thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước lũ, các giải pháp quy hoạch cần tạo ra nhiều không gian hơn cho nước, để nước có thể thâm nhập vào đô thị theo cách có thể kiểm soát, qua đó giúp cải thiện vi khí hậu, cảnh quan, chất lượng nước, giảm thiểu chi phí xây dựng các công trình ngăn lũ và thoát nước. Hiểu theo nghĩa này thì trong một thành phố nước, những con sông chảy qua, những hồ chứa nước vừa là những biểu hiện cảnh quan sinh thái, cải thiện điều kiện tiểu khí hậu, nhưng đồng thời cũng là nơi cho nước "trú ngụ" khi có mưa lũ và NBD...

     Xây dựng các “mô hình cụm và tuyến dân cư an toàn”: Ở ĐBSCL từ nhiều năm nay đã thực hiện việc xây dựng các “cụm và tuyến dân cư an toàn” kết hợp với ao, hồ dự trữ nước ngọt ở những vùng đông dân. Trước hết, phải kể đến các mô hình như:

     Mô hình tôn nền các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để xây dựng nhà ở: Hình thức thực hiện là tôn nền các cụm, tuyến dân cư cao hơn mức ngập lụt để xây dựng nhà ở. Trên cụm, tuyến dân cư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ cuộc sống người dân.

 

Rừng ngập mặn ở Ninh Thuận được coi như hệ thống“đê mềm” chống gió, bão,

sóng thần, sạt lở và ngăn NBD, bảo vệ mùa màng cho người dân

 

     Mô hình tôn cao nền để xây dựng nhà ở đối với từng hộ gia đình: Các hộ gia đình thực hiện đắp đất, tôn cao nền vượt mức ngập lụt để xây dựng nhà ở.

     Đây là 2 mô hình có nhiều ưu điểm nổi trội. Do nhà ở xây dựng trên các cụm, tuyến dân cư vượt lũ và trong các bờ bao khu dân cư được bảo vệ, không bị tác động của lũ, lụt, vì vậy người dân được sinh sống an toàn, ổn định và có điều kiện để phát triển bền vững. Trong thời gian có lũ, lụt mọi sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến những nhu cầu thiết yếu nhất của đời sống, đó là việc khám chữa bệnh và học hành của người dân. Ở trong các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư, người dân có điều kiện được thụ hưởng các công trình phúc lợi xã hội, có điều kiện tiếp cận với thành tựu văn hóa, khoa học, kỹ thuật tiên tiến, do đó sự hiểu biết của người dân ngày càng được nâng cao. Người dân trong các cụm tuyến dân cư và trong bờ bao khu dân cư vừa phòng tránh được ảnh hưởng của lũ, lụt, vừa tận dụng được nguồn lợi do lũ, lụt mang lại (như việc đánh bắt nguồn thủy sản dồi dào trong mùa lũ lụt).

 

GS. TS. Lê Văn Khoa

Viện Tư vấn Phát triển

ThS. Nguyễn Thị Song Tùng

Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn